Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc (Minimal Architecture)

1. Đặt vấn đề 
Trong thời điểm hiện nay, nền kiến trúc Việt Nam đang từng bước phát triển theo xu hướng chung của toàn thế giới, chúng ta cũng đang rất nỗ lực tìm ra cho mỗi cá nhân cũng như toàn bộ nền kiến trúc một hướng đi tốt hơn. Vì vậy, hiện đang tồn tại rất nhiều xu hướng kiến trúc khác, việc nhận diện các xu hướng đó rất quan trọng để rút ra định hướng đúng cho sự phát triển chung của nền kiến trúc Việt Nam. 
Một vài năm gần đây, người ta thường nhắc nhiều đến Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc hoặc Kiến trúc tối thiểu. Trong những sáng tác kiến trúc của nhiều kiến trúc sư đã có những ảnh hưởng nhất định từ nó. Đó là một xu hướng tốt nhưng để hiểu và áp dụng nó trong thực tế chúng ta cần phải tìm hiểu nó sâu sắc hơn. Sau đây là những nghiên cứu xung quanh sự hình thành, phát triển của Chủ nghĩa tối thiểu trên thế giới. 
2. Các khái niệm 
Tối thiểu - Tối đa (minimal – maximal): Tính từ chỉ số lượng ở mức nhỏ nhất và cao nhất. 
Theo từ điển tiếng Việt – 1994 – Nhà xuất bản khoa học xã hội – Trung tâm từ điển học: 
+ Tối thiểu: ít nhất, không thể ít hơn được nữa; trái với tối đa 
+ Tối đa: nhiều nhất, không thể hơn được nữa; trái với tối thiểu 

Nghệ thuật tối thiểu (Minimal Art): Loại hình nghệ thuật xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1960 ở New York – Hoa Kỳ. Nó ảnh hưởng đến hầu hết các bộ môn nghệ thuật như điêu khắc, hội hoạ, khiêu vũ, âm nhạc, kịch, điện ảnh, thời trang... Nghệ thuật sử dụng các thủ pháp đơn giản về mặt hình thức để đạt được hiệu quả cao nhất trong các bộ môn nghệ thuật. Nghệ thuật tối thiểu ra đời vào cuối thời kỳ của chủ nghĩa hiện đại trong một xã hội đã có kinh nghiệm từ cuộc bùng nổ kinh tế và khủng hoảng lớn các giá trị cơ bản. 

Các nghệ sỹ tiêu biểu cho nghệ thuật tối thiểu thời kỳ này là: Carl Andre, Dan Flavin, Donald Judd, Sol LeWitt và Robert Morris... Những tác phẩm hội hoạ của các hoạ sỹ: Frank Stella, Robert Ryman, Robert Mangold, Agnes Martin, Brice Marden... cũng sử dụng các tiêu chí cơ bản của nghệ thuật tối thiểu. 
Nghệ thuật tối thiểu trong hội hoạ, điêu khắc phát triển từ những năm 1950 và tiếp tục đến những năm 60, 70 sau đó. Đây là một thời kỳ mà hội hoạ, điêu khắc phát triển nở rộ trong việc đơn giản hoá về mặt nội dung cũng như hình thức. Mục đích của nghệ thuật tối thiểu là hướng người xem tập trung hơn, những cảm nhận mãnh liệt hơn mà không có bất cứ một sự sắp đặt, bố trí rắc rối. Nghệ thuật tối thiểu sử dụng các phương tiện thể hiện một cách mộc mạc, giản dị, nghiêm ngặt, sự rõ ràng trong hình thức, sự đơn giản của bề mặt, cấu trúc. Nó từ bỏ mọi sự ý niệm hoá trong nghệ thuật như ý nghĩa của sự biểu hiện mang tính cá nhân và loại bỏ sự tượng trưng, biểu tượng. 
Các hoạ sỹ tối thiểu sử dụng sự yên lặng trong các tác phẩm, bày tỏ cho người xem những cảm nhận về tính trầm mặc, lặng lẽ. Các tác phẩm hội hoạ chứa đựng khoảng lặng yên tĩnh, trống rỗng, cái bản chất nhất của đối tượng khiến cho nó mang một chiều sâu về không gian. Tuy vậy, những gì mà người xem cảm nhận được từ tác phẩm chỉ hoàn toàn là những gì được nhìn thấy, các tác phẩm được đơn giản hóa nghệ thuật đến mức tối đa,bình dị trong cả nội dung lẫn hình thức. 
Ngay từ những năm 1920 các hoạ sỹ như Malevich và Duchamp đã tìm nguồn cảm hứng cho sáng tác từ sự tối thiểu hoá nhưng trào lưu này chủ yếu được biết đến nhờ các hoạ sỹ Mỹ như Dan Flavin, Carl Andre, Ellsworth Kelly, Donald Judd là những người chống lại Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng bằng những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt của mình. 

Kiến trúc tối thiểu (Minimalist Architecture): Loại hình kiến trúc dựa trên nguyên tắc của nghệ thuật tối thiểu để thể hiện các hình thức kiến trúc đơn giản mà hiệu quả. Kiến trúc tối thiểu ra đời và phát triển trên cơ sở của kiến trúc hiện đại và có thể nói rằng kiến trúc sư Mies van der Rohe là người khởi xướng nhờ câu nói nổi tiếng: “Less is more” – “ít tức là nhiều” và các công trình kiến trúc do ông thiết kế. Kiến trúc tối thiểu ngày nay thực chất là một bước phát triển tiếp theo của kiến trúc hiện đại. Nó chỉ là cách hoàn thiện hơn nữa kiến trúc hiện đại, tránh vấp phải những nhược điểm mà chủ nghĩa công năng đem lại như sự áp đặt chủ quan đối với kiến trúc hay những nhược điểm của “Phong cách quốc tế” khiến cho xã hội có những đánh giá không tốt đối với kiến trúc hiện đại. Vì vậy, kiến trúc tối thiểu được tập trung hơn nữa cho tính địa điểm như địa hình, khí hậu, văn hoá xã hội địa phương là những lý do chủ yếu gây nên cuộc khủng hoảng sâu sắc trong kiến trúc hiện đại trước đây. 

3. Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc là gì? 
Có rất nhiều các quan niệm, định nghĩa khác nhau về Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc. Tuy nhiên, nói chung các cách nhìn nhận khác nhau đều cùng chung một quan điểm cho rằng sự tối thiểu đem lại cho kiến trúc một hiệu quả lớn nhất thông qua những phương pháp thể hiện đơn giản nhất, có nghĩa là với những yếu tố tối thiểu kết quả đem lại đạt mức tối đa. 
ã Chủ nghĩa tối thiểu tìm kiếm sự trong sáng như một biểu hiện của vẻ đẹp thẩm mỹ cũng như tính thực dụng. Mục đích của nó là đạt được trong kiến trúc bởi sự giảm thiểu hình thức và màu sắc tới mức cơ bản nhất của chúng. Câu nói nổi tiếng “ít tức là nhiều” của Mies van der Rohe đã tóm lược những nguyên lý của một hoạt động đưa nó trở lại việc tìm kiếm khéo léo cách thức đơn giản nhất để thiết kế một công trình kiến trúc, luôn giữ ý định mục đích của việc đạt được tính công năng cao nhất với những yếu tố cơ bản nhất. Chủ nghĩa tối thiểu cũng mang tư tưởng cơ bản của tính bình dị. Sản phẩm của nó giản dị và các không gian được thiết kế để tạo ra một môi trường yên tĩnh và thanh bình. (Linda Parker – Minimalist Houses) 
ã Chủ nghĩa tối thiểu không phải là một phong cách, nó là một thái độ, một cách biểu hiện. Nó là một phản ứng chủ yếu chống lại tiếng ồn, tiếng ồn trực quan, sự rối loạn, ... Chủ nghĩa tối thiểu là sự theo đuổi bản chất mọi sự vật, không phải là vẻ bề ngoài. Nó là sự tìm kiếm liên tục sự trong sáng, tìm kiếm sự bình yên , biểu hiện của sự yên tĩnh, cho chiều sâu của các không gian. Chủ nghĩa tối thiểu vượt qua thời gian - là sự vô tận, là chất liệu đơn giản và quý phái, đó là sự yên tĩnh hoàn hảo, Nó phải là sự tồn tạn của chính bản thân nó, thể hiện nội dung cho cái vẻ bề ngoài, không quá hiển nhiên nhưng hoàn toàn được thể hiện rõ bởi bản thân nó, bởi sự tồn tại của nó. (Massimo Vignelli , viết trong cuốn “Claudio Silvestrin” của Franco Bertoni) 
Như vậy, có thể nói sự tối thiểu trong kiến trúc là cách thức thể hiện đơn giản nhất, bản chất nhất của kiến trúc, đem đến cho không gian kiến trúc một hiệu quả tối đa, đặc biệt là tính giản gị, thuần khiết đáng có. Cũng có thể đó là sự thanh lịch, sang trọng của một không gian kiến trúc, hay khả năng hoà nhập với môi trường xung quanh, với tự nhiên... nhưng nó không nằm ngoài mục đích hướng tới sự đơn giản trong từng chi tiết kiến trúc, trong vật liệu, ánh sáng, màu sắc, đường nét... 

Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trỳc ngày nay còn chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng của triết học phương Đông, điển hình là Thiền học của Đạo Phật (Zen Buddhism). Tư tưởng của Thiền học là tìm kiếm bản chất của vấn đề, và nó giải thoát khỏi sự hỗn loạn, bừa bãi,... tìm kiếm sự giản dị và có một sự đánh giá sâu sắc hơn về mọi điều xung quanh chúng ta. Vì vậy, sự tối thiểu trong kiến trúc đã đạt được đến hiệu quả đáng kể không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn đem đến những không gian kiến trúc có giá trị lớn về mặt sử dụng cũng như những tư tưởng chứa đựng bên trong nó. 

Hiện nay, trên thế giới, các xu hướng của Chủ nghĩa tối thiểu được hình thành rõ rệt. Nếu như các kiến trúc sư thuộc khu vực Địa trung hải tìm kiếm sự kết nối giữa quá khứ với kiến trúc hiện đại thì ở các nước thuộc khu vực trung tâm của châu Âu, kiến trúc tối thiểu chịu ảnh hưởng của thuyết Calvin. Trong khi đó, các kiến trúc sư Nhật Bản đi theo một loại hình kiến trúc thể hiện chủ nghĩa tinh thần mang sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Tính thiền định trong các không gian kiến trúc truyền thống của các nước châu Á mang đến cho kiến trúc tối thiểu những tư tưởng về bản chất của kiến trúc, thoát ly khỏi sự hỗn tạp đời thường. Đặc biệt các kiến trúc sư đương đại Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất nhiều từ kiến trúc truyền thống của nước Nhật. 
4. Các giá trị cơ bản của Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc 
Chúng ta có thể đánh giá được các giá trị cơ bản mà Chủ nghĩa tối thiểu đem lại cho nền kiến trúc đương đại như sau: 
ã Đem đến cho kiến trúc hiện đại một hơi thở mới mang tính thời đại nhưng vẫn sử dụng các phương tiện cơ bản của kiến trúc hiện đại. 
ã Đề cao ảnh hưởng của điều kiện môi trường, cảnh quan, khí hậu, tính địa phương. 
ã Tính giản dị, thuần khiết là một trong những ưu điểm lớn nhất của không gian kiến trúc tối thiểu. 
ã Tạo một cái nhìn mới trong việc lựa chọn vật liệu, kết cấu, ánh sáng, màu sắc một cách đơn giản, thuần nhất. 
ã Hướng tới cái thuận tiện hơn đối với con người, hướng tới cái hiệu quả hơn cho việc tổ chức hoạt động và không gian hoạt động. 
ã Xây dựng nên một quan niệm thẩm mỹ mới trong đó nêu bật lên giá trị thẩm mỹ xuất phát từ những yếu tố cơ bản nhất của kiến trúc, đôi khi việc giảm thiểu chi tiết lại có những hiệu quả bất ngờ. 
ã Các không gian kiến trúc tối thiểu chứa đựng bên trong nó các giá trị về mặt tư tưởng, nội lực tin thần là một điểm đáng lưu ý. 
Quan điểm của Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc là tìm kiếm hiệu quả tối đa thông qua một số ít của hình thức kiến trúc mà số ít đó phải thật sự có chọn lọc, chắt lọc. Nó vừa khắc phục được những nhược điểm về việc quá phụ thuộc vào công năng mà bỏ qua các yếu tố khác trong kiến trúc Hiện đại thời kỳ trước cũng như loại bỏ được các chi tiết thừa, không cần thiết nhưng cũng không hoàn toàn đánh mất tính trang trí, thẩm mỹ trong kiến trúc. 
Chủ nghĩa tối thiểu ngày nay không chỉ dừng lại ở mức độ tạo ra những không gian mang hình thức đơn giản và hiệu quả thẩm mỹ đơn thuần từ đó. Nó còn là sự kết hợp một cách linh hoạt với những yếu tố cơ bản trong kiến trúc như công năng, sư dụng, cảch quan, môi trường, tính địa phương, lịch sử... Nó đem đến một cái nhìn mới, mở rộng hơn trong việc sáng tạo của kiến trúc sư, không bị mắc lại phải những sai lầm trước đây của phong cách quốc tế. Cho đến nay, Chủ nghĩa tối thiểu vẫn đang có được một sự phát triển khá mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Những sự thay đổi gần đây mang tính nhạy cảm này thể hiện ở cách mà các kiến trúc sư theo xu hướng tối thiểu khác nhau ở các nước khác nhau đã thích nghi được với thực tế sáng tác hiện tại, cùng xây dựng một khái niệm mới về thái độ ứng xử đối với tự nhiên. 
Các kiến trúc sư như Tadao Ando, John Pawson, Antonie Predock, Eduardo Souto de Moura, Ricardo Legoretta... là một trong số ít những người hiện nay đang tìm kiếm đạt được sự cân bằng giữa kiến trúc và tự nhiên thông qua sự đơn giản của hình thức, bề mặt và chi tiết, với những thành công nhất định trong những tác phẩm kiến trúc đã tạo ra một quan niệm mới về xu hướng kiến trúc dựa trên sự đơn giản, đó là đề cao cái bản chất của kiến trúc, tính thẩm mỹ thông qua sự chắt lọc tinh tế. 

5. Kết luận 

Đánh giá các giá trị cơ bản mà Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc là việc làm cần thiết cũng giống như việc ứng dụng Chủ nghĩa tối thiểu trong kiến trúc vào thực tế của Việt Nam là rất cần thiết trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. Nhưng để nhận thức đầy đủ về nó cần phải tìm hiểu kỹ hơn nữa xu hướng phát triển trong tương lai của nó trên thế giới bên cạnh các xu hướng kiến trúc đương đại. 
                                                                            theo : THS.KTS Đinh Công Quỳnh


TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Franco Bertoni, (1999), Claudio Silvestrin, Birkhauser. 
2. John Pawson, (1996), Minimum, Mini Edition (Phaidon Miniature Editions). 
3. Lola Gómez & Susana González Torras, (2000), Minimalismo – Minimalism, Feierabend. 
4. Patricia Bueno, (2003), Minimalism & Color, Collins Design